Học ngành CNTT - Không lo thất nghiệp
Nếu bạn đang bối rối về việc chọn lựa nghành học thì
ngành Công nghệ thông tin (CNTT) sẽ là một trong những câu trả lời tốt cho bạn.
Khủng hoảng kinh tế trong những năm vừa qua đã làm
cho các doanh nghiệp Việt Nam trải qua những khó khăn chưa từng có kể từ khi đất
nước bước vào thời kỳ đổi mới. Năm 2012 đã có khoảng 54000 doanh nghiệp giải thể
cao nhất từ trước tới nay. Xu hướng này vẫn còn tiếp tục, 6 tháng đầu năm 2013
số doanh nghiệp giải thể tiếp tục tnăg 12,3%. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới
thị trường việc làm, nhiều người phải đối mặt với áp lực mất việc làm. Sinh
viên mới ra trường vì thế khó tìm việc làm hơn rất nhiều.
Trong bối cảnh đó, đối với những học sinh vừa tốt
nghiệp PTTH, việc lựa chọn một ngành học để đảm bảo cho tương lai sau này trở
nên khó khăn hơn.
Nếu bạn đang bối rối về việc chọn lựa, ngành Công
nghệ thông tin (CNTT) sẽ là một trong những câu trả lời tốt cho bạn.
CNTT giúp bạn vượt qua khủng hoảng.
Thực tế các cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây đã chứng
minh, nhân lực ngành công nghệ thông tin là một trong những ngành ít chịu ảnh
hưởng nhất. Trong khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, trong khi các ngành
Tài chính, Bất động sản, xây dựng ... rất nhiều người mất việc làm, thì nhu cầu
nhân lực ngành CNTT vẫn không giảm mà có xu hướng tăng. Ở thị trường lao động
Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Vậy điều gì đã giúp nhân lực ngành CNTT tránh được
các cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây? Đó chính là nhu cầu đối với sản phẩm của
ngành này vô cùng lớn và ngày càng tăng.
Bất cứ đâu bạn cũng có thể thấy sự hiện diện của
CNTT, có thể là chiếc điện thoại bạn đang dùng, với rất nhiều phần mềm được cài
sẵn bên trong. Mỗi khi bạn đi rút tiền ở cây ATM, chắc bạn không thể hình dung
được rằng toàn bộ hệ thống ngân hàng sẽ ngừng hoạt động và vô cùng hỗn loạn nếu
chỉ một phần trong số các hệ thống CNTT có sự cố. Cứ như vậy, từ ngân hàng tài
chính, tới hàng không, từ viễn thông tới cả những lĩnh vực như an ninh quốc
phòng, ở đâu ứng dụng của CNTT cũng vô cùng quan trọng.
Thật khó tưởng tượng cuộc sống hiện đại thiếu
internet hay điện thoại di động. Vì vậy, để vận hành, phát triển các hệ thống
và các ứng dụng công nghệ thông tin, đòi hỏi một nguồn nhân lực rất lớn và vẫn
còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
CNTT vô cùng thú vị - bạn cũng có thể tham gia!
Làm công nghệ thông tin không chỉ đem đến cho bạn một
tương lai vững chắc, nó còn là một công việc thú vị - luôn giúp bạn cập nhật với
những điều mới mẻ nhất, luôn giúp bạn vươn lên.
Đúng là ngành công nghệ thông tin không còn là một
ngành mới mẻ, nhưng những sản phẩm CNTT luôn luôn mới và làm thay đổi cuộc sống
của chúng ta vô cùng nhanh.
Trước đây các sản phẩm của Microsoft làm cho máy
tính trở nên phổ biến hơn rất nhiều, nó cũng giúp Microsoft trở thành một công
ty khổng lồ, và gần như không có đối thủ trong ngành phần mềm. Thời đại
internet nổi lên với sự xuất hiện của Google, với sản phẩm tìm kiếm nổi tiếng.
Facebook cũng làm con người thay đổi cách giao tiếp hàng ngày và Apple làm thay
đổi định nghĩa về điện thoại.
Bạn nghĩ rằng những điều đó chỉ xảy ra ở những nước
phát triển và bạn không đủ khả năng tạo ra những điều mới mẻ đó?
Đó là một hiểu lầm, có thể làm bạn bỏ lỡ cơ hội tham
gia vào một trong những ngành năng động nhất.
Thứ nhất, ở Việt Nam, CNTT chính là một trong những
ngành giúp chúng ta bắt kịp với trình độ phát triển ở thế giới. Việt Nam có văn
phòng đại diện của gần như tất cả các hãng lớn nhất trên thế giới về IT, chúng
ta có nhà máy sản xuất rất lớn của Intel, Samsung, LG… Các công ty công nghệ Việt
Nam có nhiều công ty có quy mô hàng đầu Đông Nam Á. Và không có ngành nào, mà ở
đó khả năng tiếp cận với những cập nhật mới nhất về công nghệ lại dễ dàng như
CNTT.
Đó là chưa kể một số lượng lớn nguồn nhân lực CNTT
được đào tạo ở Việt Nam có khả năng làm việc ở mọi nơi trên thế giới. Kể cả
thung lũng Silicon, cái nôi của ngành CNTT toàn cầu.
Thứ hai, vì ngành CNTT đã phát triển rất mạnh và
thâm nhập sâu vào cuộc sống, nên nó có rất nhiều phân ngành nhỏ và đòi hỏi nhân
lực ở mọi cấp độ. Bạn có thể bắt đầu từ đầu và không sợ không có việc làm, sau
đó bạn sẽ tiến từng bước vững chắc trong bậc thang nghề nghiệp CNTT.
Nguồn Internet
Đăng nhận xét